An toàn lao động xây dựng đóng vai trò quan trọng, giúp bảo vệ người lao động và duy trì tiến độ thi công. Các quy định về an toàn lao động xây dựng tại công trường và khu vực lân cận nhằm giảm thiểu rủi ro, kiểm soát vùng nguy hiểm và đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật. Việc áp dụng biện pháp bảo hộ, giám sát an toàn và quy trình thi công đúng quy chuẩn giúp nâng cao hiệu quả công việc và bảo vệ tính mạng con người. Dưới đây là các quy định cụ thể về an toàn lao động xây dựng:
CÁC QUY ĐỊNH VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG TRONG XÂY DỰNG TẠI CÔNG TRƯỜNG VÀ KHU VỰC LÂN CẬN
Quy định chung
1. Lập và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn (ĐBAT) và các biện pháp cần thiết khác.
2. Nhận diện các yếu tố và vùng nguy hiểm, có hại, kiểm soát để ĐBAT bằng các biện pháp rào chắn, các phương tiện cảnh báo, chỉ dẫn, có bảo vệ kiểm soát ra vào.
3. Vùng nguy hiểm trên công trường và khu vực lân cận bao gồm nhưng không giới hạn bởi các loại hình sau:
a) Khu vực có đường dây, thiết bị cấp, trạm điện và chất nổ;
b) Khu vực có nguy cơ cháy, nổ;
c) Kho chứa chất nổ, chất dễ cháy, nổ và hóa chất nguy hiểm khác;
d) Khu vực có nguy cơ bị trượt, đổ vật tư, thiết bị; nguy cơ lún sụt, sạt, lở đất đá;
đ) Có nguy cơ rơi, ngã;
e) Khu vực có máy, thiết bị thi công đang làm việc;
g) Có công trình hiện hữu, có nguy cơ sụp đổ nhưng chưa được gia cường hoặc chống đỡ;
h) Khu vực có nguy cơ do các vật rơi hoặc đổ xuống;
i) Khu vực gần ao, hồ, suối, sông, biển;
k) Khu vực thi công trên mặt nước hoặc dưới nước, đầm lầy;
l) Khu vực thử nghiệm các thiết bị, đường ống có áp suất;
m) Không gian hạn chế mà ở đó có thể xảy ra thương tích nghiêm trọng;
n) Khu vực chưa được thực hiện rà phá bom mìn, vật nổ.
4. Giới hạn các vùng nguy hiểm trên công trường và khu vực lân cận.
5. Việc sử dụng máy, thiết bị thi công trên công trường và các phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) phải tuân thủ các quy định về chất lượng, nguồn gốc và kiểm định An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) khi cần thiết. Phải thỏa mãn các quy định sau:
– Được thiết kế hợp lý;
– Được duy trì trong tình trạng làm việc tốt;
– Được sử dụng, bảo trì đúng với chỉ dẫn của nhà sản xuất;
– Được lắp đặt bởi người lao động đã được đào tạo, huấn luyện;
– Được sử dụng, điều khiển hoặc vận hành bởi người lao động đã được đào tạo, huấn luyện.

Đường tạm và đường tiếp cận nơi làm việc
1. Đường tạm phải tuân thủ các tiêu chuẩn thiết kế, các yêu cầu kỹ thuật và có các biện pháp ĐBAT giao thông.
2. Đường tiếp cận nơi làm việc phải đảm bảo vững chắc, an toàn và có đầy đủ các biển báo, hướng dẫn sử dụng kèm theo.
Đảm bảo vệ sinh, môi trường và sức khỏe
1. Tuân thủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, y tế và bảo vệ môi trường.
2. Phải lập kế hoạch, biện pháp và thực hiện thường xuyên công việc đảm bảo vệ sinh, môi trường:
a) Bố trí kho, bãi phù hợp;
b) Thực hiện dọn dẹp chất thải, phế liệu thường xuyên;
c) Chỗ để vật liệu rời chưa sử dụng phải được bố trí hợp lý;
d) Làm sạch hoặc rải vật liệu chống trơn trượt nơi làm việc và đường tiếp cận bị trơn;
đ) Thực hiện thu gom nước thải, chất thải rắn trên công trường; xử lý theo quy định;
e) Thực hiện che chắn để hạn chế khí thải, tiếng ồn, độ rung,…
3. Phải ban hành các quy định ĐBAT cho người lao động, bao gồm nhưng không giới hạn các quy định sau:
a) Quy định về đảm bảo vệ sinh, môi trường;
b) Quy định các trường hợp phải dừng công việc khi xuất hiện thiên tai hoặc thời tiết nguy hiểm;
c) Quy định về sử dụng, lưu trữ, bảo trì các PTBVCN;
d) Quy định về thời gian và điều kiện sức khỏe để làm việc khi thực hiện các công việc đặc thù;
đ) Quy định sử dụng, vận hành đối với máy, thiết bị thi công;
e) Quy định sử dụng hoặc thao tác đối với máy, thiết bị cầm tay;
g) Quy định sử dụng, thao tác (xử lý) đối với các loại vật tư, vật liệu, cấu kiện, chất, hóa chất trên công trường.
4. Người lao động phải tuân thủ các quy định ban hành.

Phòng ngừa vật rơi
Kiểm soát an toàn đối với các vùng nguy hiểm có thể có vật rơi, phải thực hiện theo các biện pháp quy định đã nêu trước đó.
Ngăn ngừa người bị rơi, ngã
1. Phải lắp đặt lan can an toàn và tấm chặn chân ngăn ngừa người bị rơi, ngã khi làm việc ở độ cao từ 2m trở lên (so với mặt đất, mặt sàn).
2. Trong trường hợp không thể lắp đặt lan can an toàn, phải thực hiện một trong các biện pháp sau:
a) Lắp đặt và duy trì lưới hoặc sàn đỡ an toàn;
b) Người lao động phải sử dụng dây an toàn và dây cứu sinh.
Ngăn ngừa sụp đổ công trình
Trước khi tiếp tục xây dựng công trình phải thực hiện rà soát và có các biện pháp ĐBAT, bao gồm:
a) Khảo sát, đánh giá an toàn kết cấu. Nếu kết quả cho thấy có nguy cơ sụp đổ thì phải thực hiện công việc chống đỡ tạm;
b) Xác định vùng nguy hiểm và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ĐBAT.
Ngăn ngừa xâm nhập trái phép
1. Công trường đang thi công phải được rào chắn.
2. Không cho phép người không có nhiệm vụ vào trong công trường.

Phòng cháy, chữa cháy
1. Tuân thủ quy định của quy chuẩn này và các quy định pháp luật khác có liên quan PCCC.
2. Người sử dụng lao động và người lao động phải thực hiện các biện pháp cần thiết để:
a) Ngăn ngừa nguy cơ xảy ra cháy;
b) Kiểm soát nhanh chóng và hiệu quả đám cháy;
c) Đảm bảo thoát nạn nhanh chóng và an toàn.
3. Các vật, chất, hóa chất dễ cháy phải được lưu trữ riêng và ngăn chặn xâm nhập trái phép.
4. Không được hút thuốc trong công trường ngoại trừ các khu vực được bố trí riêng. Biển báo “Cấm hút thuốc” phải được bố trí ở những nơi cần thiết.

5. Trong không gian hạn chế hoặc những khu vực mà khí, hơi, bụi dễ cháy có thể gây nguy hiểm:
a) Chỉ được phép sử dụng các trang thiết bị điện và đèn xách tay ĐBAT cháy;
b) Không cho phép sử dụng lửa trần, thiết bị tạo nhiệt hoặc các nguồn gây cháy khác;
c) Phải có biển báo “Cấm hút thuốc”;
d) Phải thường xuyên và kịp thời dọn dẹp các chất, phế thải dễ cháy ra khỏi khu vực này;
đ) Phải bố trí hệ thống thông gió phù hợp.
6. Tại nơi làm việc:
a) Các vật liệu, chất cháy, dễ cháy phải được để trong các hộp, thùng kín làm bằng kim loại hoặc vật liệu chống cháy khác;
b) Phải thường xuyên dọn dẹp phế thải và chuyển đi.
7. Phải thường xuyên kiểm tra các khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.
8. Công việc hàn, cắt bằng nhiệt và các hoạt động tạo nhiệt khác chỉ được thực hiện khi:
a) Các thiết bị hàn, cắt đã được kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định an toàn theo quy định;
b) Các biện pháp phòng ngừa phù hợp cần thiết đã được thực hiện để giảm thiểu nguy cơ cháy;
c) Có sự giám sát của người được đào tạo và có chứng chỉ hành nghề về PCCC.
9. Trang bị thiết bị chữa cháy phù hợp; bố trí và duy trì nguồn cấp nước đầy đủ. Các thiết bị chữa cháy phải được bảo trì và kiểm định an toàn định kỳ theo quy định về PCCC.
10. Phải bố trí đầy đủ các phương tiện, thiết bị cảnh báo cháy phù hợp ở nơi có nguy cơ cháy và những nơi cần thiết khác.
11. Biển báo hướng dẫn cho phương tiện, thiết bị cảnh báo, phục vụ chữa cháy phải được bố trí ở nơi dễ thấy và ghi rõ:
a) Vị trí nút (hoặc công tắc) của thiết bị cảnh báo cháy hoặc vị trí gần nhất của phương tiện báo cháy;
b) Số điện thoại và (hoặc) các phương tiện liên lạc khác, đơn vị Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ ở nơi gần nhất.
12. Lối thoát nạn phải được kiểm tra thường xuyên và duy trì thông thoáng; phải lắp đặt các biển chỉ dẫn hướng thoát nạn.
13. Người sử dụng lao động phải:
a) Tổ chức, huấn luyện cho người lao động sử dụng thiết bị chữa cháy, kỹ năng thoát nạn cho người lao động;
b) Bố trí tối thiểu 02 người đã được huấn luyện kỹ năng PCCC theo quy định tại nơi làm việc ở công trường.
14. Trong các ca làm việc, số lượng người lao động được ghi chép chi tiết để quản lý và phục vụ cho việc ĐBAT cháy.
15. Người sử dụng lao động phải có kế hoạch thoát nạn cụ thể và hiệu quả.

Chiếu sáng
1. Ở những nơi ánh sáng tự nhiên phải trang bị, lắp đặt các nguồn ánh sáng phù hợp và đủ độ sáng. Đường ra vào và những khu vực có người đi lại cũng phải được chiếu sáng.
2. Ánh sáng nhân tạo phải được kiểm soát để không được tạo ra chói, lóa quá mức hoặc có bóng đổ.
3. Đèn chiếu sáng phải được bảo vệ để không bị vỡ do va đập, gió mạnh.
4. Dây dẫn điện phải chịu được các điều kiện khắc nghiệt trong quá trình xây dựng.
Chống sét
Trước khi thực hiện công việc thi công xây dựng, nhà thầu thi công có trách nhiệm khảo sát hiện trạng và thực hiện các biện pháp, giải pháp kỹ thuật cần thiết để đảm bảo chống sét và các quy định khác có liên quan.
Thiên tai và các điều kiện thời tiết nguy hiểm
1. Trong điều kiện thiên tai, người sử dụng lao động có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra và thực hiện các biện pháp cần thiết sau:
a) Thu gom và lưu trữ các vật dễ bay ở nơi đảm bảo;
b) Che chắn hoặc có biện pháp bảo vệ đối với các kết cấu chống đỡ tạm (KCCĐT), máy, thiết bị thi công, thiết bị và hệ thống điện/ chống sét, kho chứa các chất, hóa chất độc hại có thể phát tán ra môi trường;
c) Biện pháp bảo vệ đối với đường đi, rào chắn, kết cấu móng đỡ máy, thiết bị;
d) Các biện pháp cần thiết khác để ĐBAT cho người ở công trường.
2. Ngoại trừ những người được đào tạo chuyên nghiệp cho mục đích cứu nạn, cấm người lao động làm việc ở những vị trí, khu vực trực tiếp chịu tác động của thiên tai trong các trường hợp sau:
a) Khi có áp thấp nhiệt đới, bão hoặc gió mạnh từ cấp 5 trở lên;
b) Khi có giông lốc, mưa đá, sấm sét;
c) Khi nhiệt độ không khí cao hơn 35oC hoặc thấp hơn 0oC mà không có các PTBVCN chuyên dụng;
d) Khi có ngập lụt;
đ) Khi có mưa lớn với lượng mưa từ 51 mm/24 giờ hoặc 26 mm/12 giờ trở lên;
e) Khi làm việc dưới nước, gần hoặc trên mặt nước mà có sóng lớn, dòng chảy xiết.
3. Sau thiên tai, nhà thầu phải thực hiện việc kiểm tra, đánh giá các nguy cơ gây mất an toàn.
4. Người lao động chỉ được phép tiếp tục làm việc sau khi nhà thầu khẳng định bằng văn bản là đủ điều kiện ĐBAT.
Công trình ngừng thi công
1. Trước khi ngừng thi công phải thực hiện quy định phòng ngừa thiên tai và các quy định sau:
a) Thực hiện ngắt tất cả các nguồn cấp không cần thiết;
b) Thực hiện chống đỡ, che chắn các khu vực đã thi công có nguy cơ bị sụp đổ, hư hỏng;
c) Thực hiện các công việc bảo vệ chống xâm nhập.
2. Trước khi thi công lại, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, đánh giá các nguy cơ gây mất an toàn trên công trường.
3. Người lao động chỉ được phép tiếp tục làm việc sau khi nhà thầu khẳng định bằng văn bản là đủ điều kiện ĐBAT để làm việc.
Tham khảo chi tiết Quy định An toàn lao động xây dựng tại: Thông tư 16/2021/TT-BXD Quy chuẩn kỹ thuật An toàn trong thi công xây dựng.

MinhLamcons và cam kết An toàn lao động xây dựng
MinhLamcons cam kết đảm bảo an toàn lao động xây dựng bằng việc thực thi nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa tai nạn. Chúng tôi tuân thủ đầy đủ các quy định an toàn, kiểm soát chặt chẽ vùng nguy hiểm và trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cho công nhân thi công. Quy trình giám sát an toàn được triển khai liên tục, giúp giảm thiểu rủi ro, bảo vệ sức khỏe và đảm bảo môi trường làm việc an toàn, hiệu quả.
Tham khảo quy trình thi công cáp dự ứng lực chi tiết tại: Quy trình thi công cáp dự ứng lực chi tiết – Minh Lâm Construction.
Để biết thêm thông tin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG MINH LÂM
Add: | Số 33 Phan Huy Ích, Phường 15, Quận Tân Bình, Tp. HCM |
Tell: | 028 6291 5066 |
Mail: | info@minhlamcons.com |
Fanpage: | www.facebook.com/MinhLamconstructionJSC/ |
Website: | minhlamcons.com |



CÁC QUY ĐỊNH VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG TRONG XÂY DỰNG TẠI CÔNG TRƯỜNG VÀ KHU VỰC LÂN CẬN


