Hệ thống giải thưởng thường niên của ngành xây dựng tại Việt Nam – Ashui Awards vừa công bố danh sách đề cử chính thức cho 9 danh hiệu của năm 2018 tại các hạng mục: kiến trúc sư, công trình, nhà thầu, chủ đầu tư, hãng kỹ thuật, dự án tương lai, xây dựng xanh, nhà ở, nội thất.
Giai đoạn bình chọn bắt đầu từ 1/12 đến 31/12. Kết quả sẽ được công bố vào ngày cuối cùng của năm 2018.
Dưới đây là 10 đề cử cho danh hiệu “Dự án tương lai của năm”.Alacarte Ha Long Bay Condotel. Thiết kế: Aedas + CUBIC Architects. Đây là dự án phát triển nằm trên bán đảo thứ hai của khu quy hoạch tổng thể bến du thuyền Hạ Long. Địa điểm này là một khu đất ven biển chính với tầm nhìn rộng không bị cản trở hướng ra vịnh. Ý tưởng dự án bắt đầu với mục tiêu tối đa hóa tầm nhìn cho tất cả các phòng, theo đó, đa số phòng đều hướng về phía biển trong khi một số ít nhìn về phía vịnh và núi. Cảm hứng cho các hình khối tổng thể có nguồn gốc từ sóng biển nhấp nhô, làm điểm nhấn cho công trình mang tính biểu tượng trong khu vực.
&Làng;. Thiết kế: Mai Hưng Trung. Đồ án lấy bối cảnh là ngoại thành Hà Nội trong một thập kỷ tới, thủ đô và các vùng lân cận sẽ trở thành siêu đô thị tiếp theo của Đông Nam Á. Dòng chảy nhập cư cùng sự bành trướng của đô thị khiến Hà Nội phải đối mặt với sự biến mất của các làng nghề truyền thống. Mục tiêu chính của đồ án là trung hòa được hai yếu tố bảo tồn và phát triển. Bảo tồn nguồn lương thực đáng tin cậy từ các cụm làng nông nghiệp ngoại thành Hà Nội và tiếp tục phát triển các dự án khu dân cư mới. Phương án này giải quyết được nhu cầu về nhà ở, sự giãn nở của lõi đô thị và giảm thiểu tối đa các tác động nguy hại đến môi trường đất canh tác.
My Montessori Garden. Thiết kế: HGAA. Đây là một phần mở rộng của cơ sở cũ, các kiến trúc sư cùng với chủ đầu tư muốn tạo ra một không gian cho trẻ, kết hợp với một mô hình lớp học mới hòa hợp với khu vườn. Do điều kiện khu đất không được sử dụng lâu dài, khoảng 5-10 năm, công trình tìm kiếm một cấu trúc xây dựng đơn giản, lắp đặt nhanh, gồm 2 khối lớp học có kết cấu mái thép, xung quanh là vườn cây, có một hệ thống giàn cây bằng khung và lưới thép, vừa là để trồng cây to dưới đất, vừa làm giàn cây leo, cây ăn quả, vừa làm đường dạo trên không cho bọn trẻ. Trẻ em sẽ có một nơi để vui đùa, để khám phá vẻ đẹp của cây xanh và thiên nhiên nằm tại trung tâm thành phố.
Module Nhà ở xã hội cho TP.HCM. Thiết kế: CUBIC Architects Khu đất nghiên cứu nằm trong khu dân cư ngã tư Tân Tạo, tây bắc tỉnh lộ 10 (quận Tân Bình, TP.HCM). Ý tưởng thiết kế mô-đun dựa trên quá trình tìm hiểu các đặc điểm nhà ở xã hội. Mô-đun chính lấy hệ lõi 6 thang máy làm tâm, từ đó phát triển hai cặp cánh tay đòn vuông góc với nhau. Cặp cánh tay đòn lớn đóng vai trò thiết lập lối hành lang chính của mặt bằng tầng điển hình. Cặp cánh tay đòn nhỏ đóng ai trò liên kết các khối mô-đun lại với nhau. Đối với các khu vực đầu hồi giữa hai khối nhà, vườn trên cao được tích hợp nhằm tăng mặt độ không gian xanh của công trình, giảm bớt hiệu ứng bê tông hóa.
Nông trại hữu cơ ở Củ Chi. Thiết kế: Integrated Field (IF/Thái Lan). Đây là dự án của văn phòng kiến trúc Thái Lan Integrated Field (IF) nhằm nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp thông qua hình thức canh tác khép kín ở huyện Củ Chi, TP.HCM. Theo lời nhóm thiết kế, đây là một công trình mang tính giáo dục, 50 ha quy hoạch đầu tiên sẽ được dùng cho mục đích du lịch nhằm cung cấp những kiến thức, trải nghiệm về nông nghiệp trực quan nhất. Khách hàng của dự án sẽ cung cấp những khóa học xoay quanh các khu vực này để giới thiệu về các hoạt động canh tác
Tổ hợp nhà máy nước mặt sông Đuống. Thiết kế: Infinitive Architecture. Do tính chất đặc thù, công trình tọa lạc ở vị trí thích hợp của hồ chứa nước. Để hòa mình vào bao cảnh đồng ruộng bao la và cái tứ của làng Gióng, văn phòng thiết kế Infinitive Architecture đề xuất hình khối kiến trúc cô đọng, tối giản, bền vững và thân thiện, hòa lẫn vào thiên nhiên. Đây là ý tưởng xuất phát từ khái niệm tự nhiên và tồn tại như chính bản nghĩa của giọt nước, là nguyên liệu và sản phẩm của nhà máy này.
Thành phố cộng sinh (Symbiosis City). Thiết kế: NBD Architects. Symbiosis City như một mô hình thành phố hợp nhất giữa thành thị và nông thôn, vừa có tác dụng làm hồi sinh lại “những thành phố chết”, vừa tăng khả năng kết nối bền vững giữa con người với thiên nhiên. Định hướng phát triển cấu trúc gồm giai đoạn 1 xây dựng khu dân cư phức hợp cao tầng trên nền các con đường giao thông chính; giai đoạn 2 giải tỏa các khu dân cư hiện hữu, tái tạo lại hệ sinh thái mặt đất như cây rừng và hệ thống kênh rạch tự nhiên trước đây, tổ chức phát triển trồng trọt và chăn nuôi.
The Parks. Thiết kế: group8asia. Tháp mang tính biểu tượng trong cảnh quan đô thị thành phố Quy Nhơn. Có ba yếu tố chính trong các thành phần của dự án là: yếu tố mật độ hóa với thiên nhiên, yếu tố di sản địa phương và yếu tố gắn kết cộng đồng. Hai tòa tháp được định hình rõ ràng, các căn hộ trở thành mối liên kết với các vườn treo xanh.
Bảo tàng Thế giới Cà phê. Thiết kế: a21studĩo. Nằm ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, thiết kế tối ưu các cấu phần của sự sống, được định hình trên nền tảng xây dựng hướng đến là bảo tàng di sản văn hóa cà phê toàn cầu. Điểm khác biệt của công trình là bảo tàng sống về văn hóa cà phê toàn cầu và bảo tàng ảo giới thiệu hình ảnh hiện vật liên quan đến cà phê của thế giới.
ZONE IIA HCMC. Thiết kế: Sdesign. Khu cao ốc văn phòng – thương mại – dịch vụ tại Lô 5-5 (ZONE IIA HCMC) không chỉ là công trình phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, vui chơi giải trí của khu vực mà với tòa tháp chính 20 tầng vươn lên giữa trung tâm đô thị. Công trình đóng vai trò quan trọng về chức năng và có tính biểu tượng, khu cao ốc thể hiện mạnh mẽ cho “tinh thần xanh”.